Phương hướng phát triển nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2023

Đăng vào 10/01/2023 00:00

1. Tiếp tục phát huy thế mạnh trong nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao vị thế của Trường Đại học Luật Hà Nội là Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; Khuyến khích các ý tưởng khoa học sáng tạo, các hướng nghiên cứu mới, có tính ứng dụng cao; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên và người học đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu; gắn yêu cầu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ với việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học.

2. Hoạt động nghiên cứu khoa học phải (i) Bám sát việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới ngày 09/11/2022; Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, định hướng nghiên cứu khoa học giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Tư pháp. (ii) Thực hiện đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” ban hành kèm theo Quyết định 1156/QĐ-TTg ngày 30/09/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội đến năm 2030 và phù hợp với các sự kiện chính trị, pháp lý của đất nước; (iii) Đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật, đảm bảo sự gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; (iv) Tập trung vào một số định hướng nghiên cứu khoa học cơ bản mang tính nền tảng của khoa học pháp lý.

3. Tiếp tục rà soát, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế về nghiên cứu khoa học nhằm thực hiện hiệu quả tự chủ đại học, tạo nền tảng, cơ sở để đạt được các mục tiêu trong hoạt động nghiên cứu khoa học; Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế (Trung tâm, Viện nghiên cứu) để triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về luật học và các nghiên cứu đa ngành, liên ngành trong đó luật học là trọng tâm.

4. Tăng số lượng đề tài cấp Bộ, cấp Tỉnh, cấp Nhà nước và tương đương được đấu thầu và thực hiện thành công; Tăng cường tổ chức các hội thảo quốc tế, hội thảo quốc gia và xuất bản kỷ yếu có chỉ số ISBN; Đẩy mạnh công bố quốc tế tại các tạp chí khoa học uy tín, tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI, Scopus.

5. Năm 2023, phấn đấu có 100% giáo sư, phó giáo sư và 85% tiến sĩ của Trường chủ trì hoặc tham gia thực hiện đề án, đề tài khoa học và công nghệ các cấp; công bố ít nhất 45 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới; thực hiện 10 đề tài cấp quốc gia hoặc cấp bộ, cấp tỉnh; ít nhất 01 – 02 nghiên cứu hợp tác với các đối tác quốc tế, tổ chức 05 hội thảo quốc gia, quốc tế.

6. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các nhóm nghiên cứu, hướng đến công bố quốc tế; Thành lập 01 - 02 nhóm nghiên cứu, trong đó có nhóm nghiên cứu quốc tế; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học; Tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế và trong nước về nghiên cứu khoa học; Khuyến khích tổ chức các hội thảo quốc tế và trong nước có tài trợ hoặc xã hội hoá một phần; Tăng cường hội thảo liên kết với các cơ sở đào tạo khác và trong khuôn khổ Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam.

7. Nâng cao chất lượng hoạt động biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo của Nhà trường; đẩy mạnh công bố kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên tại các Nhà xuất bản uy tín trong nước và quốc tế. Mở rộng đối tác liên kết xuất bản, in, phát hành giáo trình, tài liệu; ký thỏa thuận hợp tác (MOU) với các đối tác truyền thống và các đối tác khác; xuất bản từ 8 - 10 sách chuyên khảo.

8. Tiếp tục nâng cao chất lượng Tạp chí Luật học đáp ứng yêu cầu hội nhập, từng bước đáp ứng yêu cầu của hệ thống trích dẫn ACI; Xuất bản 02 số tiếng Anh của Tạp chí Luật học; xây dựng cơ chế hỗ trợ và đặt bài (khoảng 03 đến 05 bài) từ các nhà khoa học nước ngoài có danh tiếng để tăng uy tín cho Tạp chí Luật học ở trong nước và quốc tế.